Join the forum, it's quick and easy

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

    bản tin 8/3

    avatar
    myhanhdo
    Thành viên mới
    Thành viên mới


    Tổng số bài gửi : 4
    Reputation : 0
    Join date : 22/10/2011

    bản tin 8/3 Empty bản tin 8/3

    Bài gửi by myhanhdo 5/3/2012, 20:20

    Đây là các bài viết mình dùng trong bản tin 8/3 nộp cho đoàn trường. Mình đăng lên forum để các bạn cùng thưởng thức. Chúc các bạn nữ 8/3 vui vẻ nhé!

    CON YÊU MẸ!


    Đã bốn năm trôi qua từ ngày ba tôi mất, có lẽ đó là bài học lớn nhất đời tôi! Khi ba tôi đã rời xa tôi mãi mãi thì tôi mời biết “hối tiếc”, có đau thương thì vẫn không thay đổi được gì. Tôi nhận ra rằng con người ta chỉ thực sự hiểu giá trị của một cái gì đó khi họ mất nó. Mẹ_không phải là một diều tự nhiên ta sinh ra đã có; không phải là một điều hiển nhiên trong cuộc đời này để ta được yêu thương, chăm sóc…

    Tôi hiểu hơn ai hết giá trị của từng ngày tôi được bên mẹ. Mỗi buổi trưa tan trường tôi chỉ muốn về nhà ăn cơm với mẹ. Tôi, mẹ và cu Út giờ là gia đình nhỏ, vắng tôi nữa thì bữa cơm có ngon chăng? Tôi nhớ có một người bạn từng nói với, tôi là con gái, lại đi học bằng chiếc xe đạp cũ… thế sao tôi không đi xe buýt? Bởi vì hằng ngày mẹ tôi đã_phải như thế, mẹ tôi cũng là “con gái”, chỉ khác… mẹ tôi đã năm mươi mấy tuổi rồi! Dẫu nắng gắt hay mưa dầm thì mẹ tôi vẫn ròng rã khắp nẻo đường để bán từng tờ vé số kiếm tiền nuôi chị em tôi. Những hôm mẹ về với mấy vết thương trên tay chân… thể nào mẹ tôi cũng bảo: “Mẹ không biết sao nữa, tự nhiên đang đạp xe mẹ chóng mặt quá, rồi tự nhiên mẹ té…!!” Không phải tự nhiên đâu mẹ ơi! Lòng tôi đau lắm, bởi lẽ mẹ tôi là người “không thích” ăn thịt, cá… Mẹ luôn bảo mẹ “đi bán”, mẹ ăn “ngán” luôn, hai chị em chia nhau ăn đi! Chẳng biết từ khi nào tôi không còn “giành ăn” với cu Út nhà tôi nữa! Vì tôi đã hiểu cái sở thích ăn uống kỳ lạ của mẹ tôi.

    Sau một ngày vất vả ngoài đường, đến tối mẹ tôi vẫn làm! Mẹ con tôi thức đan giỏ trúc. Tôi nhớ mùa mưa, nhà tôi bé xíu, không có chổ để giỏ, mẹ tôi để nó trên giường ngủ của tôi. Mẹ con tôi “cưng” nó lắm, vì nó là một phần nguồn sống của nhà tôi cơ mà. Chỉ còn một cái giường trong buồng, mẹ nhường cho chị em tôi ngủ, mẹ ngủ võng! Và tôi không sao quên được cái khoảng thời gian đó. Khi tôi giành ngủ võng, cả đêm ấy tôi mới hiểu… Cái võng nhà tôi nhỏ lắm, bé con như tôi nằm còn không vừa, nằm cong người cũng không xong, thẳng người cũng không được… còn bị mấy con muỗi vây quanh chờ cơ hội tôi đắp mền hở chổ nào chúng nó sẽ tập kích ngay ấy.

    Sáng dậy, ê ẩm cả người, nhất là cái cổ của tôi. Mẹ bảo mẹ quen ngủ võng! Mẹ tôi thì gì cũng “quen”, “quen” cực, “quen” khổ…

    Và bây giờ khi tôi là một sinh viên đại học, cũng như bao người khác, bắt đầu sống xa nhà. Lại càng thấm thía hơn nỗi cô đơn tột cùng, và tôi tin ở nhà mẹ tôi cũng thế. Nơi chốn đô thành, nhìn những phụ nữ khác phấn son, nhà cao, cửa rộng… dạo bước trên khu thương mại mua sắm… Thì tôi biết rằng ở một nơi nào đó quanh các con đường trong xã, mẹ tôi vẫn phải cóc cạch đạp xe đi bán từng tờ vé số kiếm từng ít tiền gửi lên cho tôi ăn học. Mà người phụ nữ ấy nào biết áo đẹp, món ngon vật lạ…!!!

    Thế đấy đôi khi ta lại lãng quên người phụ nữ quan trọng nhất đời ta! Dẫu ta có thế nào, người ấy vẫn thương yêu và lo lắng, hy sinh vô bờ bến vì ta. Khi một người bạn nào đó làm một điều gì đó cho ta thì ta cảm kích và quý trọng người đó vô cùng. Khi bạn bè nhờ gì đấy thì ta hăng hái giúp đỡ… Đến dịp đặc biệt gì đó thì suy nghĩ để làm gì đó hay tặng gì thật đặc biệt cho bạn bè…hay một người đặc biệt nào đó. Bạn có từng cho rằng, việc được mẹ nấu cho bữa sáng trong khi bạn vẫn ngủ “nướng” là điều hiển nhiên, bình thường? Thật không có gì là “bình thường” cả, chỉ có người phụ nữ ấy mới làm được như thế! Đó chỉ có thể là mẹ! Là hai từ đầu tiên một đứa bé biết nói: “mama”… Đi hết cuộc đời này ta không tìm đâu được người phụ nữ nào hy sinh vì ta như thế! Tôi biết được điều này khi tôi đang học Ngữ văn 10 thì trong buồng trên chiếc giường tre cũ ấy (nay là nơi tôi ngủ) ba tôi đã ra đi vĩnh viễn… Ba tôi ra đi trong im lặng, chẳng ai hay biết! Một khoảng trời như sụp đổ bên tôi, tôi chưa kịp “chuẩn bị” tinh thần để “đón nhận” cơ mà!! Đó là điều hối tiếc cả đời của tôi! Vì khoảng thời gian bên ba tôi chẳng biết xem trọng, tuần nào ba cũng về mà, thấy và nói chuyện với ba là điều rất ư là bình thường. Kể cả thời gian rảnh tôi vẫn không dành cho ba, tôi chưa từng làm gì cho ba…để giờ đây…!

    Tôi không biết nên trách hờn hay cảm ơn cuộc sống này. Tôi chỉ biết hiện tại tôi đang có mẹ và tôi sẽ dồn cả nỗi nhớ thương của ba sang phần mẹ. Không bao giờ tôi bỏ quên người! Tôi tin rằng một ngày nào đó tôi lại viết về mẹ một lần nữa khi tôi là một người mẹ... Những gì tôi cố gắng hôm nay là vì người phụ nữ vĩ đại ấy và cũng vì bản thân tôi_một hình hài mẹ đã “mang nặng đẻ đau” và nhọc nhằng dưỡng dục khôn lớn!

    Vậy là cũng gần đến ngày 8.3, ngày mà tôi lại nhớ, thương “người phụ nữ ấy” của tôi da diết. Cầu mong cho mẹ luôn khỏe mạnh để chờ đến khi đứa con gái của mẹ thành tài. Qua rồi cái thuở tặng mẹ hoa điểm 10, giờ đây con gái mẹ sẽ “kiểm tra dấu hiệu sinh tồn”: đo huyết áp cho mẹ, bắt mạch… “thăm khám thể chất”… Không phải là hoa, không phải là món đồ gì đó, con tin rằng đó là món quà tuyệt vời nhất mẹ muốn nhận. Con yêu mẹ, hình bóng mẹ luôn sưởi ấm trái tim con trên mỗi chặng đường con đi qua.

    Lư Thị Thanh Hiền

    CNĐD2010

    LCH S NGÀY QUC T PH N 8-3

    Hàng năm, cứ đến ngày 8/3, phụ nữ toàn thế giới trong đó có phụ nữ Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế của giới mình. Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.

    Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8-3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đa xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.

    Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
    - Ngày làm 8 giờ.
    - Việc làm ngang nhau.
    - Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

    Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.








    TÂM SỰ CỦA BÁC SĨ SẢN KHOA HÀNG ĐẦU VIỆT NAM: NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG


    “Tôi như người công nhân tự đổ đá làm cho mình con đường đến với nghề y. Tôi đã trải trên đó mồ hôi lẫn nước mắt một thời tuổi trẻ”.


    Gõ - nghe - bốc



    Năm 8 tuổi, đột nhiên tôi gặp cơn bạo bệnh. Ba mẹ hốt hoảng mang tôi đến một bác sĩ lớn tuổi. Trong lúc tôi cảm thấy mình đứng ở ngưỡng thập tử nhất sinh, ông bác sĩ lại từ tốn lướt ống nghe nhè nhẹ, gõ gõ tay lên người tôi. Xong xuôi, ông nói tôi mắc bệnh thương hàn rồi kê đơn, bốc thuốc. Vài ngày sau tôi hết hẳn bệnh. Tôi thầm nghĩ nghề thầy thuốc hay thật và bắt đầu mơ được làm bác sĩ.

    Như đa số gia đình vào thời bấy giờ, cuộc sống của chúng tôi lắm chật vật, nghèo đói. Ba mẹ tôi dắt các con lên đồn điền cao su Chup (Kompong Chàm, Campuchia) mong kiếm cái ăn. Bà ngoại thương tôi bắt ở lại Biên Hòa với bà. Trong những ngày tháng nghèo khổ nhất, tôi vẫn học thật chăm chỉ và âm thầm nuôi dưỡng ước mơ của mình. Vài năm sau tôi thi đậu Trường Gia Long ở Sài Gòn.



    Khi biết tôi mơ ước được học y, đám bạn cùng trường đã phì cười. Bởi như điều không tưởng khi một học trò cấp III chỉ học chương trình Việt ngữ bước một bước vào trường y chỉ đào tạo sinh viên thông qua Pháp ngữ. Tôi bắt đầu lùng sục các cuốn sách dạy tiếng Pháp. Tôi miệt mài phiên âm, chú thích chi chít trong các cuốn sách tiếng Pháp và ôm khư khư chúng mỗi khi rảnh tay.

    Khi đó, trường sư phạm có rất nhiều ưu đãi. Vừa không phải đóng học phí, sinh viên còn được trả lương tháng. Với số tiền đó, gia đình tôi sẽ đỡ chật vật hơn. Ba mẹ viết thư khuyên tôi thay đổi nguyện vọng nhưng tôi nhất quyết không nghe. Ba nổi giận đòi từ tôi. Tôi đành nộp đơn dự thi vào trường ĐH sư phạm. Đến nơi người ta nói: “Mai thi rồi. Sao hôm nay em còn đến nộp đơn?”. Tôi mừng rơn, gọi điện thoại thông báo cho ba.

    Năm đó, tôi thi lớp dự bị y khoa cùng với hàng trăm sinh viên học trường Pháp ngữ ở Sài Gòn và vinh dự là học sinh đậu hạng 6 toàn miền Nam. Tôi chính thức học chương trình hoàn toàn bằng tiếng Pháp.



    Sống như thể ngày mai là ngày cuối







    BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Ảnh: T.T.Dũng

    Ba mẹ tôi từ Chup trở về, thất nghiệp. Mấy đứa em nheo nhóc đói ăn. Tôi định bỏ học. Năm đó, Nhà máy ximăng Hà Tiên mới xây cần tuyển người. Nếu vào làm thư ký, ngay lập tức tôi sẽ được hưởng mức lương hậu hĩ 8.000 đồng/tháng (trong khi 100 kg gạo giá 800 đồng). Lúc tôi chơi vơi nhất, ba nói: “Con cứ đi học. Ngày nào ba còn sống thì con không phải bỏ học”. Cùng với nỗi khát khao mạnh mẽ được làm bác sĩ cứu người, được sống khác hơn hiện tại, tôi gượng dậy.

    Tôi lao ra đường chộp bất cứ công việc lương thiện nào có thể kiếm ra tiền. Ngoài giờ học trên lớp, tôi cuốc bộ đi dạy kèm, giao gạo và than. Đêm về nhà lại vùi đầu học bài. Không biết tự lúc nào tôi hình thành thói quen ăn nhanh, đi nhanh, nói nhanh. Không nhớ khoảng thời gian đó tôi thường ngủ bao nhiêu tiếng một ngày và ăn uống tằn tiện ra sao. Chỉ nhớ mình hay xỉu. Đến lúc có dịp leo lên cân mới hay mình còm nhom - 37kg. Thi lên năm thứ nhất y khoa, tôi tuột xuống hạng 126/300.



    Phải đi mới thành con đường



    Học một thời gian, tôi để ý thấy sản khoa phù hợp với mình nhất. Sản phụ đang đau quằn quại, chỉ cần mình đỡ đẻ giúp họ một loáng là xong. Gặp tim thai suy, mình mổ trong vòng 3 phút để lấy đứa bé ra. Đứa trẻ khóc oe oe chào đời, người mẹ hết đau. Nếu người mẹ bị băng huyết, mình xử lý trong vài phút là cứu được một mạng người. Tôi cảm thấy thích điều kỳ diệu đó.

    Lần đầu tiên cầm dao mổ cho bệnh nhân, tôi không sợ hãi, chỉ cảm thấy say mê. Có người nghe chuyện hết hồn vì sao một cô gái trẻ, nhỏ xíu người lại “lạnh lùng” như vậy. Nhưng đứng ở chỗ của tôi, họ mới thấy người bác sĩ phải bình tĩnh và tập trung chuyên môn để tình trạng nguy cấp của bệnh nhân trôi qua êm đẹp nhất.

    Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi muốn tiếp tục học sau đại học thêm bốn năm. Tôi chọc giận ba lần thứ 2. Mẹ bật khóc. Nhà tôi vẫn bị cái nghèo bám riết trong khi tôi đang có trong tay cơ hội mở phòng mạch mưu sinh như các bạn. Tôi nghĩ nếu không giỏi mình có thể khiến bệnh nhân tử vong. Đến một lúc nào đó, lương tâm mình sẽ bị mòn dẹt. Thấy người ta chết, mình cũng không còn cảm xúc nữa. Như vậy là tội ác. Tôi suy nghĩ kỹ rồi về thuyết phục cho đến khi ba mẹ chấp nhận.

    Trong số bệnh nhân của tôi có những cơ duyên rất dễ thương. Tôi đỡ đẻ cho người mẹ, mấy chục năm sau đỡ đẻ cho chính con gái của người mẹ đó. Song hành với những chuyện vui cũng có những chuyện đau lòng, đáng tiếc. Tôi nhớ mình từng hụt hẫng đến lặng người khi không cứu được một người mẹ bị ung thư thai trứng nặng. Chị mất để lại bốn năm đứa con nheo nhóc. Lần đầu tiên đỡ đẻ một đứa bé nhiễm chất độc da cam không có sọ, tôi bàng hoàng suốt.

    Sau ngày 30/4/1975, tôi đem theo ba đứa con tình nguyện túc trực trong Bệnh viện Từ Dũ 24/24. Thời điểm đó chồng tôi đang tu nghiệp tại Pháp. Anh muốn đón mấy mẹ con sang đó định cư. Nhưng tôi nghĩ suốt thời gian học nghề y, tôi đã thực hành trên biết bao xác người Việt, giờ thành nghề lẽ nào lại đem toàn bộ kiến thức chữa bệnh cho người nước ngoài. Hơn nữa, ở đây dân mình còn đói khổ. Tôi không nỡ. Vợ chồng chia tay.

    Bệnh viện Từ Dũ với tôi như một ngôi nhà, một người thân. Dù đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng tôi vẫn cảm thấy thân quen với từng góc nhà, từng khuôn mặt ở đó. Nơi đó tôi đã làm một bác sĩ sống bằng niềm đam mê đúng như mơ ước ngày trẻ của mình.

      Hôm nay: 20/5/2024, 15:46